“Phải cân nhắc tính khả thi của quy định, bởi cơ quan chức năng chưa đủ sức để kiểm tra 24/24 giờ nhiều địa bàn. Hơn nữa, người dân cũng có thể mua rượu bia trước giờ cấm để uống. Do vậy, quy định một cách hình thức thì luật không vào cuộc sống!”.
Trước quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ, Bộ Y tế vừa đưa ra lấy ý kiến nhân dân trong Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, ngày 23/7, trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, phân tích rõ tính khả thi của quy định.
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng trong dự thảo cũng phải quy định rõ đơn vị kiểm tra, xử lý vi phạm
Ngay khi đưa quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ, Bộ Y tế nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Đây là nội dung đang được ghi trong Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Đứng ở góc độ bảo vệ sức khỏe, góp phần bảo đảm trật tự an ninh, tôi thấy đây là quy định cần thiết. Sau 22 giờ là thời gian mọi người có quyền được nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một ngày học tập, làm việc tiếp theo. Việc quy định cấm bán rượu bia sau giờ đó cũng có tác dụng nhằm góp phần đảm bảo sức khỏe cộng đồng, đảm bảo trật tự an ninh công cộng.
Nhiều người cho rằng, quy định này thiếu thực tế vì rất khó kiểm soát các hàng quán bán rượu bia sau 22 giờ. Hơn nữa, người dân có thể mua rượu bia trước nhưng sau giờ đó mới bỏ ra uống thì cũng không thể xử lý?
Điều đáng chú ý ở đây là phải cân nhắc tính khả thi của quy định bởi hiện nay, các cơ quan chức năng của chúng ta chưa đủ sức để có thể kiểm tra 24/24 giờ ở nhiều địa bàn khác nhau. Hơn nữa, người dân hoàn toàn có thể mua rượu bia trước giờ cấm và sử dụng nó sau giờ đó. Do vậy, nếu chỉ quy định một cách hình thức thì luật không đi vào trong cuộc sống.
Sau khi nhận được nhiều ý kiến khác nhau, Bộ Y tế đã đặt ra ba phương án “mềm dẻo” hơn để lựa chọn. Thứ nhất là cấm bán rượu bia từ 22h đến 6h, nhưng chỉ cấm ở một số địa điểm nhất định và có lộ trình. Thứ hai, giao cho UBND tỉnh thành xem xét tình hình từng địa phương, có phương án phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia. Thứ ba, là không quy định về giờ được bán rượu bia nữa mà hạn chế tác hại rượu bia bằng kiểm soát nguồn cung và các biện pháp khác. Trong những phương án đó, ông thấy phương án nào khả thi nhất?
Tôi thấy có thể quy định cấm bán rượu bia ở một số địa điểm là khả thi hơn. Thứ nhất, ta xác định địa điểm để gắn với trách nhiệm giám sát, quản lý, kiểm tra, xử lý. Thứ hai, mục đích của quy định là để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ trật tự an ninh, cho nên nếu quy định ở một số địa điểm thì sẽ có điều kiện thực hiện hơn. Ngoài ra, luật vẫn có thể sửa đổi, bổ sung, do vậy, sau một thời gian thực hiện nếu điểm hạn chế đó thấy nó có tác dụng tốt thì có thể mở rộng ra.
Nhưng nếu như quy định không quy rõ trách nhiệm đơn vị nào chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm thì nó cũng rất dễ đi vào “vết xe đổ” như cấm hút thuốc lá nơi công cộng, cấm bán thịt sau 8 giờ giết mổ…?
Tôi nghĩ nếu đã thành chế tài thì cần phải có những quy định xử lý vi phạm. Có thể ta không ngăn ngừa được hết việc mua bán rượu bia sau 22 giờ nhưng nếu xử lý nghiêm những vi phạm thì cũng góp phần ngăn ngừa, răn đe.
Do vậy, quan điểm của tôi là có thể đưa vào trong dự thảo luật nhưng phải có chế tài để xử lý vi phạm và đồng thời phải quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý những vi phạm.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin Dân trí
No comments: